Một cơ sở khai thác dầu. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong bối cảnh giá dầu mỏ trên thị trường thế giới trong những ngày qua đã giảm xuống dưới 50 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 14 tháng qua, ngày 3/12, Qatar đã tuyến bố sẽ rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào tháng 1/2019.
Mặc dù vậy, trong một tuyên bố, tân Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi cho biết quốc gia vùng Vịnh này vẫn tiếp tục sản xuất dầu mỏ, nhưng sẽ tập trung chủ yếu vào sản xuất khí đốt, lĩnh vực mà nước này đang là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Đánh giá về quyết định này, Iran cho rằng việc Qatar quyết định rời khỏi OPEC cho thấy sự thất vọng của các nhà sản xuất nhỏ đối với vai trò chi phối của Saudi Arabia và Nga trong việc quyết định cắt giảm sản lượng nhằm giúp kiểm soát giá dầu.
Đại diện của Iran tại OPEC, ông Hossein Kazempour Ardebili, nhận định: “Đây là việc rất đáng tiếc và chúng tôi hiểu sự thất vọng của họ.”
Ông cho rằng quyết định của Qatar phản ánh sự giận dữ đang gia tăng của các nhà sản xuất dầu trước cái mà ông mô tả là cách tiếp cận đơn phương của Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC (JMMC) vốn do Saudi Arabia và Nga dẫn dắt trong việc ra quyết định cắt giảm sản lượng dầu.
[Chính sách dầu mỏ toàn cầu bị ảnh hưởng khi Qatar rút khỏi OPEC]
Theo ông, có nhiều thành viên OPEC khác đã bày tỏ thất vọng rằng JMMC quyết định về sản lượng dầu một cách đơn phương và không có được sự đồng thuận trước của OPEC.
Qatar gia nhập OPEC năm 1961. Nước này và hiện là một trong số những nước sản xuất dầu mỏ nhỏ nhất trong OPEC, nhưng là thành viên ảnh hưởng nhất trong thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhờ các nhà máy lớn của họ sản xuất tổng cộng 77 triệu tấn/năm.
Nắm giữ mỏ khí đốt lớn nhất thế giới, mỏ North Field hợp tác với Iran, Qatar có kế hoạch mở rộng công xuất LNG lên 100 triệu tấn và sẽ thực hiện trước khi thị trường khí đốt trở nên quá hạn hẹp trong đầu thập kỷ tới.
Trong khi đó, Saudi Arabia hiện đang là quốc gia chi phối lớn nhất trong OPEC.
Quan hệ giữa Saudi Arabia và Qatar vẫn đang căng thẳng kể từ khi Saudi Arabia cùng 3 nước vùng Vịnh khác là Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập từ tháng 6/2017 đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và đóng cửa các tuyến vận tải với Qatar do cáo buộc chính quyền Doha hỗ trợ khủng bố.
Tuy nhiên, Qatar luôn bác bỏ cáo buộc này, đồng thời không chấp nhận các yêu sách mà 4 nước vùng Vịnh đưa ra.
Còn OPEC, Nga và một số nhà sản xuất khẩu dầu thô lớn ngoài OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,8 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2017 đến hết năm 2018, nhằm giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường và vực dậy giá dầu, vốn giảm mạnh từ mức 110 USD/thùng hồi giữa năm 2014 xuống còn 30 USD/thùng vào năm 2016.
Dưới đây là những dấu mốc quan trọng trong lịch sử của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC):
Giai đoạn mới thành lập
Ngày 14/9/1960, OPEC được các nước sản xuất dầu mỏ Iran, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia và Venezuela thành lập tại Baghdad, Iraq. Mục đích thành lập là để đối phó với việc bán phá giá của các công ty dầu mỏ lớn.
Năm 1961, Qatar gia nhập OPEC. Tiếp theo là các nước Indonesia và Libya (1962), Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (1967), Algeria (1969), Nigeria (1971), Ecuador (1973), Gabon (1975), Angola (2007), Guinea Xích đạo (2017) và Congo (2018).
Năm 1992, Ecuador bị đình chỉ tư cách thành viên, nhưng đã tham gia trở lại vào năm 2007.
Năm 1995, Gabon rời OPEC và tham gia trở lại vào năm 2016. Indonesia bị đình chỉ tư cách thành viên từ năm 2009 đến tháng 1/2016, rồi lại bị đình chỉ tư cách thành viên vài tháng sau đó.
Năm 1965, OPEC chuyển trụ sở chính từ Geneva (Thụy Sĩ) đến Vienna (Áo).
Khủng hoảng giá dầu
Năm 1973, trong cuộc chiến Arab-Israel, 6 nước Arab trong OPEC đẩy giá dầu tăng vọt. Dầu mỏ trở thành vũ khí chính trị khi các nhà sản xuất Arab tuyên bố cấm vận xuất khẩu sang các nước hỗ trợ Israel, đặc biệt là Mỹ và Hà Lan, gây ra cuộc khủng hoảng giá dầu trên toàn thế giới.
Đến cuối năm 1973, OPEC đã tăng giá gấp đôi, lên tới 11,65 USD/thùng.
Tháng 3/1975, OPEC tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Algiers, thủ đô của Algeria.
Tháng 12/1975, một nhóm biệt kích do Ilich Ramirez Sanchez cầm đầu bắt giữ 70 người làm con tin, trong đó có 11 bộ trưởng dầu mỏ tại trụ sở OPEC ở Vienna. Ba người trong số đó đã bị sát hại.
Năm 1979, cuộc cách mạng Hồi giáo nổ ra ở Iran. Việc Iran ngừng xuất khẩu mỏ đã gây ra cuộc khủng hoảng giá dầu thứ hai trên toàn cầu. Khi đó, giá dầu mỏ tăng lên tới 40 USD/ thùng.
Năm 1980, cuộc chiến giữa hai thành viên OPEC là Iran và Iraq lại tiếp tục đẩy giá dầu tăng thêm.
Trần sản lượng
Năm 1982, OPEC bắt đầu thiết lập trần sản lượng cho các thành viên nhằm kiểm soát giá tăng lên. Tuy nhiên, các nước thành viên không tuân thủ qui định về hạn ngạch này một cách nghiêm túc.
Năm 1986, với sự xuất hiện của các nước sản xuất dầu lửa mới ngoài OPEC, cuộc chiến giá dầu đã nổ ra, đẩy giá dầu giảm xuống còn dưới 10 USD/thùng. OPEC khi đó đã phải tái lập chế độ hạn ngạch.
Năm 1990, Iraq đưa quân vào Kuwait dẫn đến cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Iraq bị đình chỉ tư cách thành viên hệ thống phân bổ hạn ngạch của OPEC.
Năm 2003, Iraq được khôi phục tư cách thành viên đầy đủ của OPEC.
Trong giai đoạn 2005-2006, giá dầu tăng đột biến. Đây được coi là cuộc hoảng giá dầu lần thứ ba. Khi đó, giá mỗi thùng tăng lên đến 75 USD. Vào cuối năm 2006, nhằm kiểm soát giá dầu, OPEC đã hai lần cắt giảm sản lượng liên tiếp.
Tới năm 2008, khủng hoảng kinh tế thế giới và tình trạng bất ổn tại nhiều khu vực sản xuất dầu đã làm rung chuyển thị trường. Vào tháng Bảy, giá dầu thô vượt ngưỡng 140 USD/thùng trước khi lao xuống mức 32 USD/thùng.
Năm 2011, OPEC xóa bỏ hạn ngạch đối với từng nước, để các nước tự giác tuân thủ mức trần cho cả tổ chức là 30 triệu thùng/ngày.
Cung vượt cầu
Năm 2014, dù cung vượt cầu, OPEC vẫn không cắt giảm sản lượng. Quyết định do các nước thành viên vùng Vịnh đưa ra với mong muốn duy trì thị phần của OPEC trong bối cảnh bùng nổ sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ.
Quyết định này dẫn tới việc giá dầu giảm tới một nửa trong vòng sáu tháng. Một số nước thành viên lệ thuộc dầu mỏ như Algeria, Nigeria và Venezuela đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Năm 2016, giá mỗi thùng dầu giảm xuống còn khoảng 30 USD, khiến hàng loạt công ty dầu mỏ lớn phải cắt giảm nhân sự.
Tháng 11/2016, OPEC nhất trí cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày, đưa sản lượng của khối này xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày. Tới tháng 12, 11 nước ngoài OPEC trong đó có Nga cũng đồng ý giảm sản lượng. Giá dầu tăng mạnh.
Tháng 11/2018, giá dầu lại giảm 22% trong vòng một tháng xuống dưới 60 USD/thùng./.