Từ đầu năm tới nay, thị trường dầu mỏ thế giới chứng kiến giá “vàng đen” biến động mạnh trước nỗi lo về cung vượt cầu và động thái của các nhà sản xuất lớn.
Mới đây, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh đã đạt được một thỏa thuận cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu. Song các chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về tác động dài hạn của thỏa thuận giữa bối cảnh Qatar quyết định chia tay tổ chức này đang làm lung lay vai trò của OPEC trên thị trường. Bên cạnh đó, triển vọng cung dư cầu giảm cũng vẫn đang ám ảnh giới giao dịch “vàng đen”.
Biến động của giá dầu mỏ
Giá dầu Brent đã vượt mức 80 USD/thùng trong tháng Năm và làm dấy lên lo ngại giá dầu cao có thể tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới và đẩy lạm phát lên cao.
Tuy nhiên, sau đó thông tin về triển vọng nguồn cung gia tăng đã đè nặng lên tâm lý của giới giao dịch trên thị trường. Trong tháng 11/2018, giá dầu thế giới đã giảm hơn 20%, ghi nhận tháng giảm tồi tệ nhất trong hơn 10 năm qua và có lúc đã rớt xuống dưới 50 USD/thùng.
Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu Dura ở ngoại ô thủ đô Baghdad của Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước nguy cơ lặp lại kịch bản giá dầu “xuống giá không phanh” như cách đây vài năm, OPEC cùng với các đồng minh ngày 7/12 đã thỏa thuận cắt giảm sản lượng bắt đầu từ tháng 1/2019.
Cụ thể, OPEC và các đồng minh do Nga dẫn đầu đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ ở mức lớn hơn kỳ vọng trước đó của thị trường, bất chấp áp lực đòi hỏi hạ giá dầu thô trên thế giới từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Từ tháng 1/2019, các nhà sản xuất dầu mỏ OPEC sẽ chính thức cắt giảm sản lượng khai thác mỗi ngày 800.000 thùng so với mức của tháng Mười vừa qua, trong khi các nước bên ngoài OPEC sẽ cắt giảm 400.000 thùng mỗi ngày. Sau đó, tới tháng 4/2019, các bên sẽ lại nhóm họp để đánh giá kết quả. Kết quả này có thể coi là thành công của hội nghị OPEC mở rộng diễn ra ở Vienna (Áo) sau khi Qatar tuyên bố rời khỏi tổ chức này từ năm 2019 – việc làm lung lay vai trò OPEC.
Việc Qatar thông báo rời OPEC sau gần 60 năm gắn bó không khác gì “một đòn giáng mạnh” vào vai trò của tổ chức này. Là quốc gia nhỏ bé ở Trung Đông, Qatar hiện đứng thứ 11 trong số 15 thành viên OPEC về sản lượng, chỉ chiếm khoảng 2% tổng sản lượng của tổ chức này, song lại là một trong những thành viên có “vai vế” và tầm ảnh hưởng lớn nhất.
Lâu nay, nhờ nguồn lực tài chính dồi dào, tiếng nói của Qatar luôn có trọng lượng với các thành viên OPEC, Doha được coi là cầu nối quan trọng giữa các nước trong tổ chức. Theo các chuyên gia, quyết định rời OPEC của Qatar phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ OPEC và có thể làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông.
Một khi đã rời tổ chức này, Qatar có thể chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất dầu mỏ, và có quyền nâng sản lượng trong khi các thành viên khác phải cắt giảm để ổn định thị trường.Việc làm của Qatar có thể gây ra “hiệu ứng domino” một khi các nhà sản xuất nhỏ trong OPEC cảm thấy không được lợi lộc gì từ việc tham gia OPEC.
Giới phân tích cho rằng quyết định của Doha sẽ không gây ra một tác động đáng kể lên giá dầu. Tuy nhiên, việc Qatar rời khỏi OPEC làm gia tăng quan ngại rằng Riyadh, Moskva và Washington – ba nhà sản xuất dầu mỏ hàng dầu thế giới – sẽ giành thêm quyền kiểm soát trong việc đưa ra quyết sách dầu mỏ toàn cầu, khi địa chính trị đã trở thành một trong những lực đẩy chính phía sau giá dầu.
Các nhà nghiên cứu thị trường năng lượng cho rằng tương lai của OPEC phụ thuộc vào khả năng chung sống của các thành viên chủ chốt ở Trung Ðông và về lâu dài, tổ chức này cần có những chiến lược mới để đối phó với các thách thức trong tương lai nếu muốn duy trì sự tồn tại của mình.
Triển vọng ngắn và dài hạn
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc các nước sản xuất dầu đạt được sự đồng thuận cắt giảm sản lượng chỉ là giải pháp tình thế, phù hợp trong ngắn hạn để hỗ trợ giá dầu.Tuy nhiên, xét về dài hạn, giá dầu vẫn sẽ chịu sức ép do triển vọng cung dư cầu giảm.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết các nước OPEC đã tăng sản lượng khai thác trong tháng Chín thêm 100.000 thùng/ngày, lên mức cao nhất trong năm nay là 32,78 triệu thùng/ngày.
Các nước OPEC đã tăng sản lượng khai thác trong tháng Chín thêm 100.000 thùng/ngày. Ảnh minh họa: TTXVN
Trong khi đó, số liệu từ Bộ Năng lượng Nga cho thấy sản lượng dầu trong tháng 10 tại nước này đã tăng lên 11,41 triệu thùng/ngày (so với mức 11,36 triệu thùng/ngày trong tháng Chín), xác lập mức cao kỷ lục mới kể từ thời hậu Xô viết trong bối cảnh các tập đoàn dầu lớn nhất nước là Rosneft và Lukoil tăng sản lượng.
Ngoài Nga và OPEC, những năm gần đây, Mỹ đã nổi lên là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong hoạt động sản xuất “vàng đen”. Trong báo cáo tháng 12/2018 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu ròng dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ.
Đây là một sự thay đổi hoàn toàn từ bối cảnh của thị trường năng lượng Mỹ suốt nhiều thập niên trước sau khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ hồi những năm 1970 khiến Mỹ ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ vào năm 1975. Chính sách này mới được dỡ bỏ năm 2015, dưới thời của Tổng thống Barack Obama.
Theo Kyle Cooper, chuyên gia phân tích của công ty tư vấn IAF Advisors, với việc gia tăng sản lượng và không ngừng đẩy mạnh xuất khẩu các chế phẩm dầu mỏ thì kết quả trên là đương nhiên. Hiện sản lượng dầu của Mỹ đạt mức cao kỷ lục 11,7 triệu thùng/ngày, cạnh tranh với hai nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga.
Trong báo cáo mới nhất về Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO), công bố ngày 6/11, EIA ước tính sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm 2018 sẽ đạt trung bình 10,9 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 9,4 triệu thùng/ngày trong năm 2017 và ở mức trung bình 12,1 triệu thùng/ngày trong năm 2019.
Trên quy mô toàn cầu, IEA dự báo nguồn cung dầu mỏ sẽ vượt cầu trong năm 2019, giữa bối cảnh nguồn cung tiếp tục tăng lên trong lúc nhu cầu tiêu thụ đối mặt với nguy cơ sụt giảm do kinh tế tăng trưởng chậm lại. Trong báo cáo hàng tháng vừa công bố, IEA giữ nguyên dự báo về mức tăng nhu cầu đối với dầu mỏ trong năm 2018 và 2019 so với tháng trước, với mức tăng thêm lần lượt là 1,3 triệu thùng dầu/ngày và 1,4 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay và năm tới.
Theo IEA, tăng trưởng kinh tế của một số nước giảm sút do tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc chính là yếu tố làm suy yếu nhu cầu tiệu thụ dầu mỏ tại những nước này. Trước đó, OPEC nêu rõ việc xem xét lại dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay cùng với các yếu tố chưa chắc chắn đã làm gia tăng áp lực đối với nhu cầu dầu mỏ trong những tháng gần đây.
Ngân hàng Bank of America dự báo giá dầu Brent và WTI sẽ lần lượt ở mức trung bình 70 USD/thùng và 59 USD/thùng trong năm 2019. EIA cũng dự báo giá dầu Brent giao ngay được giao dịch ở mức trung bình 72 USD/thùng trong năm 2019 và giá dầu WTI sẽ ở mức khoảng 70 USD/thùng./.