Mức tiêu thụ năng lượng của 10 nước ASEAN đã tăng gần gấp 3 kể từ năm 1990. Mức tiêu thụ đó vẫn có thể còn tăng gần gấp đôi vào năm 2040, theo báo cáo của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố vào ngày 24-10-2017.
Tiêu thụ năng lượng sẽ tăng đáng kể
10 quốc gia thành viên của ASEAN tạo thành một trong những khu vực năng động của hệ thống năng lượng toàn cầu, theo các tiêu chuẩn của IEA. Với dân số gần 640 triệu người (so với gần 510 triệu người trong 28 thành viên của Liên minh châu Âu), các nước Đông Nam Á có thể chứng kiến dân số tăng gần 20% vào năm 2040 so với mức của năm 2016 (dân số thành thị sẽ tăng gần 150 triệu người).
IEA ước tính rằng, mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Đông Nam Á vẫn có thể tăng gần gấp đôi từ nay đến năm 2040, do dân số và kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Ngoài ra còn một nguyên nhân khác, đó là tình hình cải thiện lưới điện trong khu vực đang được tăng cường. Điều này có nghĩa là ngày càng có nhiều người dùng điện hơn và từ đó làm tăng mức tiêu thụ năng lượng. Theo IEA, 65 triệu người tại khu vực ASEAN trong năm 2016 vẫn chưa có điện để dùng. Đơn cử tại Myanamar, trong năm 2016, gần 41% dân số của quốc gia này vẫn chưa tiếp cận được với lưới điện.
Do đó, Đông Nam Á có thể chiếm khoảng 11% nhu cầu tiêu thụ năng lượng thế giới trong giai đoạn từ nay đến năm 2040 (26% đối với Ấn Độ và 21% đối với Trung Quốc).
Theo IEA, tất cả các nguồn năng lượng sẽ giúp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gia tăng ở Đông Nam Á. Đặc biệt, than có thể đáp ứng 40% nhu cầu của khu vực này, vượt qua cả lượng cung của khí tự nhiên trong việc sản xuất điện. Điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng mạnh lượng phát thải CO2 liên quan đến năng lượng (tăng 75% vào năm 2040) bất chấp việc các nhà máy nhiệt điện hiện đã sử dụng công nghệ than sạch để sản xuất điện.
Nhập khẩu dầu sẽ đắt đỏ vào năm 2040
Tiêu thụ dầu mỏ ở Đông Nam Á có thể tăng từ 4,7 triệu thùng/ngày hiện nay lên gần 6,6 triệu thùng/ngày vào năm 2040, do sự gia tăng mạnh của vận tải đường bộ. Đồng thời trong cùng thời gian này, sản lượng dầu thô trong khu vực có thể tiếp tục giảm, theo IEA. Trong những điều kiện như vậy, số tiền nhập khẩu dầu của Đông Nam Á có thể lên đến gần 280 tỉ USD/năm vào năm 2040. Tổng hóa đơn năng lượng cho 10 quốc gia ASEAN có thể khi đó chiếm gần 4% GDP của khu vực.
Tỷ lệ năng lượng tái tạo (trừ sinh khối rắn) trong hỗn hợp năng lượng của Đông Nam Á có thể tăng gấp đôi, chủ yếu trong sản xuất điện. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo vẫn chỉ là thiểu số trong hỗn hợp năng lượng của ASEAN vào năm 2040.
IEA kêu gọi các nước trong khu vực ASEAN thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng hơn nữa, tiếp tục khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và tăng cường sử dụng hiệu quả năng lượng để hạn chế nhu cầu gia tăng. Kịch bản “phát triển bền vững mới”, vào năm 2040, sẽ giúp giảm 50% lượng phát thải CO2liên quan đến năng lượng so với kịch bản ban đầu của IEA. Theo ước tính của IEA, kịch bản “phát triển bền vững mới” đòi hỏi phải đầu tư gần 2.900 tỉ USD vào năm 2040 cho phát triển mạng lưới cung cấp năng lượng và tăng hiệu suất năng lượng so với mức 2.700 nghìn tỉ USD của kịch bản ban đầu.
Đến năm 2040, Đông Nam Á có thể tiêu thụ dầu gấp gần 4 lần so với sản lượng của khu vực, theo IEA.