TTO – Chiều 23-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường, trong đó giảm 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn.
Người dân xếp hàng chờ mua xăng ở cây xăng tại Hà Nội – Ảnh: N.N.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường theo mức đề nghị của Chính phủ. Mức điều chỉnh áp dụng từ 1- 4 đến 31-12-2022. Từ ngày 1-1-2023, mức thuế này sẽ thực hiện theo quy định hiện hành tại nghị quyết số 579 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày nêu rõ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn như sau: xăng giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.
Với nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít.
Tờ trình nêu rõ, xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Giải pháp nghiên cứu điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là giải pháp phù hợp và cần thiết.
Việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường này sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ, từ đó làm hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, ổn định lạm phát…
Làm rõ căn cứ giảm đều 50% thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay, đa số các ý kiến thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc giảm thuế.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ chưa báo cáo rõ căn cứ tính toán mức độ giảm thuế đối với từng mặt hàng theo các kịch bản điều hành tương ứng với mức độ biến động của giá dầu thô trên thế giới.
Từ đó, ông Cường đề nghị Chính phủ giải trình rõ các căn cứ để xác định và đề xuất mức giảm đều 50% đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu và bổ sung số liệu so sánh giá xăng, dầu với các nước trong khu vực để tránh buôn lậu, chuyển xăng, dầu ra bên ngoài.
Cũng theo ông Cường, một số ý kiến cho rằng, mức độ điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường cần được tính đến diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới trong những ngày gần đây và không nên giảm đều cho tất cả các mặt hàng (trừ dầu hỏa) ở mức 50%.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Nguyễn Phú Cường – Ảnh: Q.H.
Đồng tình với ý kiến này, Thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách đề nghị Chính phủ giảm đối với mặt hàng xăng xuống mức 2.500 đồng/lít, tương đương giảm gần 38% so với mức hiện hành; các mặt hàng dầu (dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn) giảm 50%; dầu hỏa giảm 70% so với mức hiện hành.
Ông Cường cũng cho hay có ý kiến cho rằng giá dầu thô biến động lớn, khó lường, có thể xây dựng phương án giảm thuế bảo vệ môi trường theo mức giá dầu thô để bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, cân đối ngân sách nhà nước.
Về vấn đề loại thuế được lựa chọn giảm, ông Cường cho hay, đa số ý kiến cho rằng, trong điều kiện và thực tế của Việt Nam hiện nay, việc sử dụng thuế bảo vệ môi trường để điều tiết giá xăng dầu là biện pháp chính sách phù hợp.
Tuy nhiên, theo ông Cường, một số ý kiến cho rằng, đa số các quốc gia thực hiện giảm thuế thông qua chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Cùng với đó, nhiều ý kiến đánh giá, thuế nhập khẩu cũng là một công cụ chính sách phù hợp, có thể được sử dụng để linh hoạt điều chỉnh giá bán xăng, dầu trong nước.
Bên cạnh đó Chính phủ nghiên cứu khả năng giảm chu kỳ điều hành giá để cập nhật hơn với biến động của thị trường thế giới. Về lâu dài, ngoài việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng tiền, Chính phủ cần nghiên cứu khả năng bổ sung công cụ cho quỹ bằng hiện vật (xăng dầu)…
Nguồn: tuoitre.vn