Home / Tin tức, sự kiện / Văn hóa HFC / Hành trình về nguồn của tuổi trẻ HFC

Hành trình về nguồn của tuổi trẻ HFC

Với mong muốn đưa thế hệ trẻ tìm về cội nguồn lịch sử, nâng cao nhận thức, phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ghi nhớ công ơn vô cùng to lớn của các Anh hùng liệt sĩ. Đồng thời, để tăng thêm mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các cán bộ nhân viên và đẩy mạnh các hoạt động Công Đoàn, Đoàn thanh niên. Được sự đồng ý của Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty, từ ngày 17/5 – 19/5/2018, Công ty CP Xăng dầu HFC đã tổ chức chương trình “ Hành trình về nguồn 2018”. Đây là một trong những hoạt động thiết thực và đầy ý nghĩa trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018); 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018); kỷ niệm 71 ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2018). Theo chương trình, đoàn sẽ đến thăm khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Hang Tám Cô, quê nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị, thăm địa đạo Vĩnh Mốc, bãi biển Cửa Tùng và nơi an nghỉ ngàn thu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đúng 4h30’ ngày 17/5, chiếc xe 45 chỗ rời bánh khỏi trụ sở Công ty để bắt đầu cuộc hành trình về nguồn đầy ý nghĩa. Tháng 5, cái nắng chói chang và bỏng rát đầu hạ như muốn thiêu đốt cả khoảng trời. Nhưng điều đó cũng không ngăn nổi những bước chân tuổi trẻ HFC thực hiện chương trình “Hành trình về nguồn” nhằm kết nối các địa chỉ đỏ, những mốc son oai hùng của dân tộc và để ôn lại những năm tháng hào hùng của các thế hệ cha anh, giúp tuổi trẻ đoàn viên thanh niên HFC hiểu thêm những gì đã có hôm nay được đánh đổi bằng cả tuổi trẻ của biết bao thế hệ đi trước.

Đến trưa cùng ngày, đoàn chúng tôi đã đặt chân đến địa điểm đầu tiên, đó là khu Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Thời gian như ngưng đọng khi chúng tôi được người hướng dẫn viên giới thiệu về sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong. Để giữ vững huyết mạch giao thông, trưa 24/7/1968, tiểu đội 4 thanh niên xung phong (thuộc đại đội 2, tổng đội thanh niên xung phong của tỉnh Hà Tĩnh) gồm 10 cô gái được giao nhiệm vụ san lấp hố bom và sửa đường thông xe sau các đợt ném bom của máy bay địch. Khoảng 17h cùng ngày, trận bom thứ 15 dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi trúng cửa hầm nơi các cô gái trú ẩn và tất cả tiểu đội nữ thanh niên xung phong đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Những giọt nước mắt của chúng tôi đã rơi vì sự xúc động nghẹn ngào trước tấm gương quả cảm của các cô gái và những nén hương đã được thắp lên để tỏ lòng biết ơn sâu sắc của chúng tôi dành cho các cô.

Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh)

Tiếp theo hành trình, đoàn chúng tôi đã đến thăm khu du tích lịch sử Hang Tám Cô, nơi 8 chiến sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng do máy bay B52 của địch rải thảm trên đường 20 Quyết Thắng vào ngày 14/11/1972, làm một tảng đá nặng trên 1000 tấn rơi xuống bịt kín cửa hang. Tất cả đã hy sinh sau nhiều ngày không có lương thực và nước uống. Điều kỳ lạ nhất chúng tôi đã chứng kiến ở đây đó là có hàng chục cánh bướm rừng đủ màu sắc bay rập rờn, quấn quít lấy từng người trong đoàn, đậu trên vai áo, mái tóc, bàn tay của các thanh niên như chào đón và lưu luyến không rời.

Những nén hương đã được thắp lên để tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới những người thanh niên xung phong đã hy sinh tại Hang Tám Cô

Kết thúc ngày đầu tiên trong chuyến hành trình về nguồn, chúng tôi nghỉ chân tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.Sáng hôm sau 18/5, chúng tôi bắt đầu chuyến đi đầu tiên trong ngày thứ hai của hành trình bằng việc thăm quê nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thôn An Xá, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình).

Cách Thành phố Đồng Hới hơn 40km về phía Nam, huyện Lệ Thủy với dòng Kiến Giang như dải lụa màu xanh, những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những cây đa, bến nước, sân đình và giọng hò khoan man mác in đậm dấu ấn của làng quê Việt Nam, nơi đây chính là quê hương của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Năm tháng qua đi nhưng ngôi nhà vẫn còn đó, lưu giữ biết bao kỷ niệm của vị tướng lừng danh thế giới. Nó đã trở thành điểm đến văn hóa, lịch sử để các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu hơn về quá khứ chống giặc ngoại xâm gian khổ mà hào hùng của dân tộc, về những tấm gương cách mạng kiên trung đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong lịch sử Việt Nam.

Đoàn công tác đến thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thôn An Xá, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình)

10h15’ cùng ngày, chúng tôi có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Dẫu đã nghe nhiều về nơi đây, nhưng phải tận mắt chứng kiến mới thấy nơi này rộng lớn quá. Khi đứng trước hơn 10.000 ngôi mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau, trải dài trên đồi núi mênh mông, càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của các anh, các chị để giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất cho Tổ quốc. Ai cũng có ý thức giữ yên lặng khi đi lại, nói chuyện để không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của các liệt sĩ. Trong lòng mỗi người trào dâng sự xúc động, nghẹn ngào, đó không chỉ là niềm thương tiếc, xót xa mà còn xen lẫn sự khâm phục, lòng biết ơn. Tuy họ sinh thành ở khắp 3 miền đất nước nhưng giữa họ có chung một hướng đi, một con đường, đó là giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn

Bầu trời Quảng Trị những ngày này nắng nóng như đổ lửa. Chúng tôi lại tiếp tục lên đường đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Thông thường, nếu không có việc gì thật cần thiết thì thời tiết này, chẳng mấy ai muốn thò mặt ra khỏi những chiếc ô tô máy lạnh. Thế nhưng, chỉ khi ô tô dừng ở chân đồi lên nghĩa trang, chẳng ai bảo ai, mọi người đều muốn ra khỏi xe thật nhanh để leo những bậc thang lên các khu mộ, rồi đầu trần đứng trang nghiêm trước Đài tưởng niệm. Ai cũng muốn nán lại lâu hơn để suy tư, bày tỏ tình cảm, sự tri ân với các tấm gương hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Đến với Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, trong khói hương trầm mặc, mỗi người một ý nghĩ, nhưng có lẽ cái chung nhất vẫn là tâm nguyện thắp cho các anh hùng liệt sĩ một nén nhang thơm để tỏ lòng ngưỡng mộ và tri ân đến các anh.

Viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9

Đầu giờ chiều cùng ngày, chúng tôi đã đến thăm dòng Thạch Hãn và Thành cổ Quảng Trị. Tôi nhớ mãi câu thơ mà một chiến sĩ thành cổ Quảng Trị về thăm lại chiến trường xưa đã viết:

“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi hòa sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

Những nén tâm hương đã được chúng tôi dâng lên ngôi mộ chung của các chiến sĩ tại Thành cổ, những bông hoa được thả nhẹ xuống dòng Thạch Hãn, những câu chuyện huyền thoại về 81 ngày đêm thành cổ đã được nhắc lại, khắc ghi… vẫn không thể hiện được hết nỗi xúc động của các thành viên trong đoàn khi được tận mắt nhìn thấy thảm cỏ non thành cổ, nơi “một mét đất là một mét máu”. Đất nước, quê hương nói chung và tuổi trẻ HFC nói riêng sẽ không bao giờ quên công lao các anh, những con người đã ngã xuống vì tương lai của đất nước, vì sự trường tồn của dân tộc.

Đoàn công tác xúc động, chăm chú đọc bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

Hành trình cuối cùng của ngày thứ 2, chúng tôi đã đến thăm địa đạo Vĩnh Mốc và địa danh lịch sử bãi biển Cửa Tùng. Trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại, địa đạo Vĩnh Mốc (xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) được mệnh danh là vùng đất lửa vì từng là  “tọa độ chết”, là mục tiêu hủy diệt của địch, máy bay rải bom trên không, pháo bắn từ hạm đội ngoài biển vào. Thế nhưng, chính từ nơi chiến trường ác liệt ấy, bằng sức người và ý chí “nhà nhà đào địa đạo”, nhân dân Vĩnh Mốc đã làm nên một kỳ tích sống trong lòng đất. Địa đạo Vĩnh Mốc đã chở che, bảo toàn mạng sống cho bao người dân. Có tham quan, khám phá nơi đây mới hiểu được cuộc sống gian lao và lòng sắt đá trung kiên của quân và dân ta trong những năm tháng kháng chiến chống quân xâm lược, giành độc lập tự do cho non sông đất nước. Cuối ngày, chúng tôi nghỉ chân tại bãi biển Cửa Tùng, đây không chỉ là một địa danh lịch sử mà còn là một điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.

Thăm địa đạo Vĩnh Mốc

Sáng 19/5, ngày cuối cùng của chuyến hành trình về nguồn, đoàn chúng tôi đã viếng thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nằm ở khu vực biển Vũng Chùa, Đảo Yến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách quốc lộ 1 hơn 2km về phía đông, khu mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp được xây dựng vô cùng khang trang. Nơi đây có khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp và hùng vỹ. Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tựa lưng vào vùng núi Thọ Sơn, hướng mặt ra biển Đông bao la với nhiều hòn đảo nhấp nhô xa tít như hòn La, hòn Nồm, hòn Gió. Sau những nén nhang viếng mộ Bác, chúng tôi đã tản bộ tham quan và khám phá không gian nơi đây. Vùng biển cả rộng lớn phía trước mặt hay cánh rừng bạt ngàn xanh tươi, tất cả như ôm trọn không gian tạo nên một bức tranh thơ mộng nơi lăng mộ Đại Tướng.

Viếng thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Kết thúc chuyến hành trình về nguồn, trên đường quay trở về Hà Nội, bầu không khí trên xe như tĩnh lặng hơn lúc đầu. Có lẽ, mỗi người trong chúng tôi đều đang mải miết với những suy nghĩ riêng của mình về chuyến đi này. Xưa, trong điều kiện khó khăn, gian khổ, môi trường lao động, làm việc vô cùng đơn điệu, khô khan, thế nhưng những cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc hay những người thanh niên xung phong ở Hang Tám Cô cả ngày chỉ tiếp xúc với cuốc xẻng, đất đá, bom đạn và ánh mặt trời, họ chỉ có thể lấy nụ cười làm niềm vui, lấy tinh thần đoàn kết làm sức mạnh chiến đấu mà vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó. Nay, mỗi chúng ta được sống, được học tập, làm việc và rèn luyện trong môi trường hòa bình, được tận hưởng tất cả những phương tiện, công cụ làm việc tối tân, hiện đại, vậy nhưng mỗi khi gặp khó khăn hoặc những công việc có tính cạnh tranh nhất định, chúng ta đã uể oải, nản chí làm mất đi tính hiệu quả trong công việc, mất đi tinh thần đoàn kết vốn rất quan trọng trong sự phát triển chung của doanh nghiệp.

Và chắn hẳn sau chuyến đi này, mỗi đoàn viên thanh niên HFC đều sẽ tự suy ngẫm sâu sắc xem bản thân mình đã sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước hay chưa? Chúng ta đã cống hiến, đã làm việc hết mình cho sự phát triển chung hay chưa? Qua hành trình về nguồn đầy ý nghĩa này, mỗi chúng ta hãy đánh thức trách nhiệm với bản thân mình – với gia đình – với xã hội. Đừng mải than phiền với những điều kiện chưa thể đáp ứng. Hãy cố gắng phấn đấu là cá nhân xuất sắc trong tổ, nhóm, phòng ban của mình bằng sự trách nhiệm, bằng sự chân thành, trung thực và hãy luôn sẵn lòng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc. Hãy luôn tâm niệm rằng, đoàn kết chính là sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách và mỗi cá nhân là một măt xích không thể tách rời để tạo nên một tập thể vững mạnh, giúp công ty đạt được mọi mục tiêu đề ra. Những con người HFC phải cùng nhau học tập, cùng trau dồi kiến thức, chia sẻ, tương hỗ và cùng nhau làm việc vì sự phát triển của mái nhà chung HFC. Đó sẽ là những việc tưởng chừng giản đơn nhất nhưng cũng sẽ trường tồn nhất để cho thế hệ cha ông ta – những người đã ngã xuống, đã hy sinh chỉ với mong muốn thế hệ chúng ta có được sự độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, sự đoàn kết, yêu thương lẫn nhau để cùng nhau phát triển. Nhất định phải sống có trách nhiệm, sống vì mọi người bởi trao yêu thương sẽ nhận yêu thương, trao trách nhiệm sẽ nhận được sự tin tưởng.

Một điều đặc biệt trong chuyến Hành trình về nguồn lần này đó là mỗi đoàn viên thanh niên HFC đều được giao nhiệm vụ tìm hiểu về từng địa điểm tham quan, thăm viếng để có thể tự mình giới thiệu đến các thành viên trong đoàn. Chúng tôi gọi vui đó là những hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư, tuy chặng đường xa xôi, vất vả, nhưng họ vẫn hoàn thành rất tốt vai trò của mình.

Chuyến hành trình về nguồn gói gọn trong 3 ngày đã kết thúc để lại rất nhiều ấn tượng và kỷ niệm đẹp trong lòng tất cả các thành viên của đoàn. Sự thành công tốt đẹp của chuyến đi lần này cũng chính nhờ sự quyết tâm, đồng lòng, hỗ trợ, chỉ đạo sâu sát của Ban lãnh đạo Công ty và sự nhiệt tình, tham gia tích cực của đại diện các cán bộ nhân viên được đề cử từ từng đơn vị trong ngôi nhà chung HFC.

Có thể nói, chuyến đi này cũng chính là nguồn động lực to lớn thúc đẩy tuổi trẻ HFC không ngừng nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu, nâng cao hiệu quả trên mọi mặt công tác. Đồng thời phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và giáo dục đạo đức cách mạng cho toàn thể cán bộ nhân viên trong công ty. Và chắc chắn tinh thần dũng cảm, bất khuất đầy lạc quan của những anh hùng, liệt sĩ, những mảnh đất, biển đảo quê hương kiên cường sẽ là động lực để mỗi con người HFC nói riêng và chúng ta nói chung sống, làm việc và cống hiến tốt hơn để xứng đáng với thế hệ đi trước.