Home / Tin tức, sự kiện / Văn hóa HFC / THÁI ĐỘ VÀ HÀNH VI TRONG CÔNG VIỆC

THÁI ĐỘ VÀ HÀNH VI TRONG CÔNG VIỆC

TÔI đi tìm lý do vì sao có mâu thuẫn trong mối quan hệ với đồng nghiệp

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2018

Năm 2018, một trong những mục tiêu cá nhân của tôi là thay đổi cách thức giao tiếp để làm việc hiệu quả hơn trong công việc.

Tôi thực sự muốn thay đổi và duy trì thực hiện điều này nhưng tôi vẫn thấy có vướng mắc khi có những điểm chưa rõ hoặc khi quan điểm mỗi người là khác nhau. Tôi không sao lý giải được và có lúc tôi đã để mọi việc cứ thế trôi nhưng trong lòng thực sự không thoải mái.

Tôi tự đọc sách và tìm kiếm nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong GIAO TIẾP công việc nhưng không thấy rõ được bởi chính những suy nghĩ của mình và tôi nhận ra điều đó sau một khóa học.

Bạn hãy cùng tôi đọc hết ba câu chuyện sau đây nhé!

Câu chuyện thứ nhất:Một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc hai vợ chồng ăn điểm tâm, người vợ thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi.

“Tấm vải bẩn thật” – Cô vợ thốt lên. “Bà ấy không biết giặt, có lẽ bà ấy cần một loại xà phòng mới thì giặt sẽ sạch hơn”. Người chồng nhìn thấy cảnh ấy nhưng vẫn lặng im. Thế là, vẫn cứ lời bình phẩm ấy thốt ra từ miệng cô vợ mỗi ngày, sau khi nhìn thấy bà hàng xóm phơi đồ trong sân.

Một tháng sau, vào một buổi sáng, người vợ ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cô nói với chồng: “Anh nhìn kìa! Bây giờ bà ấy đã biết cách giặt tấm vải rồi. Ai đã dạy bà ấy thế nhỉ?”

Người chồng đáp: “Không, sáng nay anh dậy sớm và đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy”.

Chúng ta đang nhìn sự việc, nhìn người qua lăng kính loang lổ những vệt màu của cảm xúc, bám dày lớp bụi thành kiến…

Bạn thấy gì qua câu chuyện này?

Tôi đã thấy mình trong đó!
Còn bạn?

Thực ra mỗi người chúng ta, ai cũng đều giống như cô vợ trong câu chuyện này. Chúng ta đang nhìn sự việc, nhìn người qua lăng kính loang lổ những vệt màu của cảm xúc, bám dày lớp bụi thành kiến và những kinh nghiệm thương đau. Chúng ta trở nên phán xét, bực dọc và bất an trước những gì mình tự cho là “LỖI LẦM CỦA NGƯỜI KHÁC”.

Tôi nhận ra rằng, khi tâm trạng vui vẻ, tôi nhìn ai cũng thấy dễ chịu, gặp chuyện gì cũng dễ thứ tha. Vậy mà, chỉ cần một chút lo lắng dâng lên trong lòng, những suy nghĩ tiêu cực, nỗi sợ hãi về tương lai sẽ lập tức khiến cho những sự việc vốn đẹp đẽ kia liền biến thành sự xấu xa, phiền phức, một lời nói không vừa ý dễ dàng khiến ta nổi giận hoặc tổn thương, những chuyện nhỏ mà lúc bình thường không đáng bận tâm, bỗng trở thành một nỗi phiền não quá sức chịu đựng.

SỰ VIỆC có vấn đề, NGƯỜI KHÁC có làm sai?

Câu chuyện thứ hai: “Trong lúc làm thí nghiệm sinh học, nếu đem một con ếch đặt trong một nồi nước nóng, con ếch lập tức sẽ nhảy ra. Thế nhưng khi đem nó đặt trong một nồi nước ấm, sau đó từ từ đổ thêm nước ấm vào rồi đun lên, lúc đó con ếch sẽ bắt đầu cảm thấy thoải mái bơi đi bơi lại trong nồi nước, đến khi nó phát hiện ra nước quá nóng, cũng chính là lúc ếch kia cạn kiệt năng lượng để nhảy ra ngoài.”

Câu chuyện chú ếch và nồi nước sôi

Đọc câu chuyện này, bạn có suy nghĩ gì?

Tôi đã thấy mình trong đó!
Đã bao giờ bạn nghĩ mình có như vậy không?

Bài học với chú ếch là gì? Chú đã không chú ý, cảnh giác. Chú đã cứ vui vẻ bơi và tự đưa mình vào chiếc lồng của sự bị động, phụ thuộc – Chú đã không còn cơ hội thay đổi mặc dù chú có thích nghi khi nước nóng dần lên.

Môi trường làm việc sẽ vận động không ngừng nghỉ và đó là thách thức đối với tôi và bạn, nó sẽ không dừng vì bất kỳ một cá nhân nào. Hãy luôn chú ý, tích cực học hỏi, nâng cao tinh thần cảnh giác, phát huy tối đa sự SÁNG TẠO trong công việc của mình – Cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta vẫn có thể vững chãi.

Môi trường làm việc càng dễ chịu bao nhiêu càng tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm bấy nhiêu. Đừng tự đưa mình vào sự bị động và phụ thuộc – Hãy tìm chỗ đứng cho bản thân bằng việc không ngừng học hỏi, làm mới bản thân và vượt lên mọi thách thức với thái độ tích cực.

Khi ý thức được sự thay đổi, cho dù là một chút thay đổi nhỏ, nhất định phải “DỪNG CÔNG VIỆC MÀ MÌNH ĐANG LÀM NGAY LẬP TỨC” – Dừng lại để suy nghĩ, suy nghĩ bằng cách đứng trên mọi góc độ để xem vấn đề đang tới là gì và mình cần thay đổi gì để thích nghi được với điều đó.

Câu chuyện thứ ba:Ở một vương quốc nọ, đức vua muốn thử lòng người nên đã sai người đặt một tảng đá to ở giữ một con đường nhiều người qua lại. Sau đó, nhà vua đóng giả người thường để quan sát xem ai sẽ là người dịch chuyển tảng đá khỏi con đường. Rất nhiều thương gia giàu có, cận thần của nhà vua đã đi qua con đường nhưng họ chỉ vòng qua hòn đá.

Thậm chí, nhiều người còn đổ lỗi cho nhà vua vì không có biện pháp giữ cho đường sá thông thoáng, nhưng không ai làm BẤT CỨ ĐIỀU GÌ ĐỂ GIẢI QUYẾT vấn đề.

Một ngày nọ, một người nông dân mang rau ra chợ bán. Khi đến gần tảng đá, anh ta đã đặt gánh rau xuống và cố gắng tìm cách đẩy hòn đá ra khỏi vị trí án ngưỡng trên đường. Sau khi đẩy được hòn đá đi, anh nông dân phát hiện một chiếc túi đựng nhiều tiền vàng và một bức thư của nhà vua nhắn rằng: Vàng trong túi dành cho người đã loại bỏ tảng đá ra khỏi con đường.”

Câu chuyện “Hòn đá giữa đường cuả nhà vua”

Tôi đã thấy mình trong đó!
Bạn đã từng vậy không?

Thói quen ăn sâu nếp nghĩ, gặp khó khăn chúng ta đã không coi đó là lỗi của mình mà luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác – Biến mình từ NGUYÊN NHÂN thành NẠN NHÂN. Than phiền với người khác hoặc trong lòng tự than phiền mà không biết rằng tôi, bạn đang được nhận món quà của người tạo ra cơ hội bằng trái tim nhân hậu, sẻ chia và đồng hành.

MỌI TRỞ NGẠI CHÚNG TA GẶP ĐỀU LÀ CƠ HỘI ĐỂ CẢI THIỆN BẢN THÂN

ĐÓ LÀ CUỘC SỐNG!

VẬY TRONG DOANH NGHIỆP,

Đã khi nào tôi, bạn hỏi rằng chúng ta là ai trong chính doanh nghiệp của mình?

Là “Cô vợ” nhìn sự việc và con người qua lăng kính bám dày lớp bụi thành kiến, phán xét và định kiến – Chỉ nhìn thấy ĐIỂM SAI hoặc theo cảm nhận của mình về những việc đồng nghiệp làm.

Chúng ta đã TRUNG THỰC với bản thân mình, với đồng nghiệp của mình?

Là “Thương gia giàu có, cận thần của nhà vua” đi qua hòn đá, đổ lỗi và không làm gì để giải quyết vấn đề – LỖI LẦM LÀ CỦA NGƯỜI KHÁC

Chúng ta đã TRÁCH NHIỆM với lời nói, hành vi của mình?

Là “Người nông dân” đẩy được hòn đá đi và nhận món quà THÀNH CÔNG

Chúng ta đã TRÁCH NHIỆM với kết quả công việc được đánh giá, với cam kết của bản thân để được nhận món quà thành công?

Là “Chú ếch” cứ vui vẻ bơi và tự đưa mình vào chiếc lồng của sự bị động, phụ thuộc

Chúng ta đã TƯƠNG HỖ với bản thân, đồng nghiệp bằng việc luôn chú ý, tích cực tự học hỏi, học hỏi đồng nghiệp và phát huy tối đa sự SÁNG TẠO trong công việc của mình?

Tôi đã từng thấy mình trong đó, trong “cô vợ”, trong “cận thần của nhà vua” và cả trong “chú ếch”.

LUÔN NHÌN MỌI VIỆC QUA LĂNG KÍNH CỦA MÌNH

LỖI LẦM LÀ CỦA NGƯỜI KHÁC VÀ TÔI LÀ NẠN NHÂN

ĐỔ LỖI THAY VÌ TÌM GIẢI PHÁP

PHÁN XÉT, KHÔNG CẢM THÔNG

THÍCH ĐI TÌM ĐIỂM SAI để đâu đó thấy mình thông minh và quan trọng

KHÔNG CHO MÌNH CƠ HỘI ĐỂ ĐƯỢC HỌC HỎI TỪ CHÍNH CÁC ĐỒNG NGHIỆP

Và khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng, khi tôi chậm lại tìm hiểu thêm thông tin, nhìn những điểm đúng và thành tích của đồng nghiệp, trách nhiệm với lời nói, hành vi của mình, tôi thấy mình trong “anh chồng” và “người nông dân”.

Và ngày hôm nay tôi nói và cam kết cùng các bạn, các đồng nghiệp của tôi: TÔI THAY ĐỔI

  • Tôi chấp nhận vô điều kiện để có cơ hội tìm thấy giải pháp – Không coi mình là nạn nhân (Không có cảm xúc tiêu cực). Mọi điều xảy ra là cho mình để mình có cơ hội phát triển
  • Công nhận những thành công, thành quả, tài năng của đồng nghiệp – Không dè bỉu, chê bai, nói xấu, tức giận hay ghen tức
  • Tôi nhìn, nghe và phản hồi (không phán xét) với mong muốn tích cực, xây dựng đến đồng nghiệp của tôi CHÍNH XÁC, khách quan, có tính xây dựng những điều tôi nghe và nhìn thấy để bạn thay đổi và cải thiện
  • Tìm những điểm chung để CẢM THÔNG, SẺ CHIA – Không tìm điểm sai, khác nhau bởi chính đó là điều tạo nên mâu thuẫn
  • Giữ nguyên sự việc và không bóp méo theo cảm xúc cá nhân
  • Biết ơn Bạn – đồng nghiệp của tôi, những người đã hỗ trợ và đồng hành cùng tôi với THÁI ĐỘ chân thành

TÔI TẬP LUYỆN NÓ HÀNG NGÀY. BẠN CÙNG THAM GIA VỚI TÔI NHÉ!

CÁM ƠN CÁC ĐỒNG NGHIỆP CỦA TÔI. TÔI YÊU CÁC BẠN!

 

Đậu Ngọc Nhân

Phó Ban KSNB/GĐCN Hải Phòng